Phần lớn tài xế xe tải, xe container chọn lưu thông trên quốc lộ 5 nên tuyến đường này luôn đông nghẹt phương tiện. Nhiều tai nạn thảm khốc do các xe này đã xảy ra.
Sáng 23/7, ba vụ tai nạn giao thông đã xảy ra tại quốc lộ 5, xã Cộng Hoà, huyện Kim Thành, Hải Dương khiến 7 người chết, 2 người bị thương, trong đó hai vụ giao thông cùng xảy ra tại vị trí km 63+300 quốc lộ 5, cách nhau hơn 2h đồng hồ.
Ghi nhận của phóng viên, quãng đường từ Hà Nội- Hải Phòng dài khoảng 105km, người dân có thể lưu thông theo 2 hướng đường quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội- Hải Phòng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, có rất ít người dân lựa chọn lưu thông trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Phần lớn cánh lái xe chọn lưu thông trên quốc lộ 5, chính vì vậy, mà tuyến đường này luôn đông nghẹt phương tiện, xe container, xe tải chạy ầm ầm ngày đêm.
Anh Nguyễn Hoàng Tùng (ở quận Hải An, TP.Hải Phòng), lái xe container chuyên chạy tuyến Hải Phòng- Hà Nội cho biết, dù cung đường hai tuyến đường quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội Phòng như nhau nhưng phần lớn lái xe đều chọn lưu thông trên quốc lộ 5.
Bởi vì, dọc tuyến đường này có nhiều khu công nghiệp, nhà xưởng, công ty thuận tiện cho lái xe trong việc giao nhận hàng hoá. Mức phí lái xe phải trả khi qua trạm thu phí trên quốc lộ 5 cũng chỉ bằng một nửa so với việc lưu thông trên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng. Thêm nữa, dọc trục đường quốc lộ 5 có nhiều tuyến đường kết nối đi các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh…
Anh Lan (một doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng) cho biết thêm, hiện tại công ty có 3 xe container thường xuyên vận tải hàng hoá từ cảng Hải Phòng lên Hà Nội và ngược lại. Mỗi chuyến đi, doanh nghiệp sẽ trả hoặc giao khoán cho lái xe tiền công và tiền chi phí cầu đường chạy trên quốc lộ 5.
“Chính vì vậy, lái xe thường lưu thông trên quốc lộ 5 để lên Hà Nội trả hàng. Nếu lái xe chạy cao tốc Hà Nội- Hải Phòng số tiền chi phí cầu đường tăng, lái xe phải tự bỏ tiền túi ra trả. Cũng có một số trường hợp lái xe chọn lưu thông trên quốc lộ 5, sau đó đi vào tuyến đường tỉnh, liên xã, huyện để tránh trạm BOT rồi sau đó lại vòng ra đường quốc lộ 5. Số tiền không phải trả trạm BOT đó lái xe sẽ được hưởng”, anh Lan chia sẻ.
Theo anh Lan, anh thường xuyên đi ô tô 4 chỗ từ Hải Phòng lên Hà Nội bằng cả hai cung đường quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội- Hải Phòng. Tuy nhiên, mức phí giữa hai tuyến đường có sự chênh lệch rõ rệt, khiến lái xe phải tính toán, nhất là lái xe container, xe tải.
“Nếu tôi điều khiển xe ô tô 4 chỗ đi trên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng (toàn tuyến dài 105km), bắt đầu từ cảng Đình Vũ (Hải Phòng) đến đường vành đai 3 (Hà Nội) sẽ phải chịu mức phí toàn tuyến là 210.000 đồng. Tuy nhiên, nếu tôi chọn cung đường chạy quốc lộ 5 chỉ mất 70.000 đồng. Tương tự, nếu xe tải có trọng tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container (loại 40 feet) chạy trên đường cao tốc sẽ mất 720.000 đồng nhưng nếu chọn chạy trên quốc lộ 5 chỉ mất 180.000 đồng”, anh Lan dẫn chứng.
Đại diện Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam Vidifi (đơn vị quản lý tuyến quốc lộ 5), hiện số lượng xe qua trạm thu phí đạt lưu lượng 50 nghìn xe quy đổi/ngày đêm (chưa kể số lượng xe không qua trạm). Chính vì vậy, mật độ phương tiện trên tuyến đường đông, khi xảy ra va chạm giao thông, thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Vị lãnh đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam Vidifi cũng cho rằng, mức phí rẻ, việc thuận tiện giao trả hàng và đi các tỉnh khác chính là nguyên nhân chính dẫn tới việc nhiều lái xe lựa chọn cung đường quốc lộ 5 để từ Hải Phòng đi Hà Nội và các tỉnh lân cận.
“Hiện chúng tôi đang triển khai dự án sửa chữa từ Km46 - Km76 (qua địa bàn tỉnh Hải Dương) đồng thời tiến hành sửa chữa khẩn cấp những khu vực xuống cấp nghiêm trọng để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông trên tuyến đường. Dự kiến, đến cuối năm 2019, chúng tôi sẽ sữa chữa toàn tuyến quốc lộ 5”, Vị lãnh đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam Vidifi nói thêm.
Theo Thành Nam (Dân Việt)